ĐI TÌM TRÁI TIM

Năm 1975. Cuộc di tản đã làm tan vỡ mọi thứ. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, người đàn bà đặt thằng bé hơn hai tuổi vào tay người vú em:

–   Hãy mang nó chạy lên máy bay trước!

Thằng bé không khóc khi rời tay mẹ. Nó ôm lấy cổ người vú em mà nó thấy rằng thân thiết hơn ngay cả chính người đẻ ra nó. Người vú em mới mười tám tuổi ẩm vội đứa bé tìm cách len lỏi vào đám người cố sống, cố chết đu theo chiếc máy bay. Vì bồng đứa nhỏ nên cô chạy không được. Họ bị đám đông bỏ xa. Tiếng súng nổ càng dày thì đám cháy lan ra càng xa…

Chiếc máy bay chừng như không chờ ai. Một người đàn ông mặc sắc phục sĩ quan Mỹ đưa tay ra hiệu cho vú em đang té sấp, té ngửa trên đường băng. Nhìn ánh mắt đầy gấp rút nhưng rất thân thiện của ông, cô yên tâm trao thằng bé cho ông ta và hai người cùng chạy về phía chiếc máy bay đang khởi động chuẩn bị bay lên. Họ là người cuối cùng của cuộc di tản trên máy bay này. Trong khi đó, người mẹ gởi con, quày quả chạy tìm người đàn ông khác để đưa ông ta đi với mình. Trong phút sanh tử, người đàn bà đã chọn lấy người mình yêu chứ không chọn đứa con. Bà đã bỏ đứa con lần thứ nhất.

*

Tại Phi.

Nơi ăn chốn ở cho những người di tản cũng hỗn độn. Người ta thấy vú em kia lại bồng thằng bé kháu khỉnh đi tới, đi lui và giữ riệt như một báu vật.

– Còn nhỏ sao có con sớm quá vậy?

– Thiệt là con nít thời loạn có khác!

– Thằng bé trông thích quá! Cho qua, qua nuôi cho mà đi kiếm chồng. Qua không có con.

Vú em mắc cở nhưng lắc đầu. Cô ta ôm chặt lấy đứa bé mà ba năm qua, cô ta đã quấn quít, nuôi lớn nó. Giờ đây, cô cũng là người cưu mang nó trong lúc loạn lạc này dùm cho người mẹ ruột. Vài tháng sau, đoàn người di tản được những người thiện nguyện ở Mỹ nhận. Họ được máy bay đưa đi hết.

*

Miami năm 1976.

Người vú em mười chín tuổi chẳng hiểu sao trốn người chủ, bỏ thằng nhỏ mà theo người mẹ đỡ đầu về đất Cali. Thằng bé mất hơi người vú em, nó tìm hơi người mẹ nhưng trong suốt thời gian nó ở với mẹ, nó bị bỏ riêng vào một chiếc gường và chẳng được mẹ ẩm bồng. Người đàn ông càu nhàu:

– Để thằng nhỏ này lại làm gì! Cho người ta nuôi đi!

Người mẹ nhìn cái bụng mình. Bà ta sắp tới ngày sinh. Bà gọi điện thoại. Vài ngày sau.

Chuông reo. Hai người lạ mặt xuất hiện. Người mẹ trẻ mang con mình giao cho người khác. Đứa bé hơn ba tuổi. Nó khóc thét khi được người xa lạ bồng đi:

– Mẹ! Mẹ! Mẹ!

Nó giãy dụa trong bất lực và cô đơn để được quay đầu lần tìm ánh mắt người mẹ nhẫn tâm bỏ con nhưng mắt nó đã chạm khoảng thinh không. Mẹ nó không quay đầu ngó lại. Vậy là nó lã đi trên tay những người xa lạ vì đói và mệt. Trong đầu nó chỉ vừa thoáng nhớ mẹ nó không hôn nó dù là cái hôn từ biệt. Trong sự cách biệt, nó nhớ người vú em. Nó đảo mắt đỏ hoe, cùng cực tìm nhưng toàn là những ánh mắt xa lạ. Mắt của người mẹ cũng không ngoại lệ. Nó thôi khóc và nhìn lên trời. Bầu trời có ngày đó xanh lắm. Hình như là mùa xuân bắt đầu trên đất Mỹ. Hai con chim cha, mẹ đang tập bay cho chú chim con. Chúng chao lượn. Thằng bé quên đi tất cả theo tiếng ru khác ngôn ngữ của người đang bồng nó trên tay một cách nhẹ nhàng và thân thiện.

Người mẹ đã bỏ rơi con lần thứ hai.

*

Người đàn bà sanh thêm đứa con trai. Con trai đó được bà hết lòng cưng chìu. Bà ôm nó từng đêm. Ru nó bằng tất cả tấm lòng người mẹ. Ba nhìn nó lớn. Bà khóc khi nó đau. Bà đau khi nó hư hỏng. Bà chẳng có ngày giờ yên thân vì nó. Vậy mà, nơi phương trời của nắng, gió và mưa, một đứa bé đang mồ côi dù sống trong căn nhà của người từ thiện. Nó khao khát vòng tay của mẹ và thèm làm sao một giấc ngủ có mẹ ru hời. Mẹ không có. Nó nhớ người vú em. Người vú em thì cũng đang chìm vào với con cái rồi cũng quên nó đi như người ta khi cố quên dĩ vãng. Cùng một mẹ. Hai số phận khác nhau đã chia sẵn kiếp nào!

*

Hai mươi năm sau tại Việt Nam.

Một người đàn ông và môt cậu bé đi tìm từng góc phố. Họ đang tìm nơi thằng bé đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất lắm người nhiều ma này. Ông chỉ vào một căn nhà nhỏ khuất trong lùm cây:

– Đây là nơi mẹ con sinh con ra.

– Dạ.

– Đây là căn nhà một đại uý mà mẹ con đã thuê ở khi sinh con. Vú em cũng đã ở nơi này.

– Dạ.

Những con đường dù đã thay tên nhưng cậu thanh niên vẫn nhớ đó là con đường mà ngày xưa, nó đã từng được vú em đưa đi chơi. Lòng nó như có nhát cứa của con dao thời quá khứ chém trúng. Cậu thanh niên ứa nước mắt. Nó nhớ vú em nhiều hơn nhớ mẹ. Nó theo người đàn ông về một nơi thôn dã. Thôn xóm đã thay đổi đến không ngờ. Ánh đèn điện đã không còn dành riêng cho đêm phố thị. Chén cơm trắng không còn dành riêng cho người giàu. Mọi thứ hình như đã được cải tử hoàn sinh còn tình người cũng biến đổi theo thời thế, theo chế độ.

– Đây là nơi bà ngoại con đã sinh ra mẹ con. Mộ này của ông ngoại và bà ngoại.

– Ngoại không mang mẹ cho người ta. Tại sao mẹ con lại mang con cho người ta?

Người cậu đang thao thao chợt quấn lưỡi tức thì. Câu hỏi này, ông cũng đang hỏi trong lòng từ mấy chục năm qua. Không có nỗi khổ tâm thì không người mẹ nào nhẩn tâm từ bỏ con mình. Ông bào chữa cho chị:

– Chắc tại hồi mới giải phóng, mẹ con nghèo quá lại không có nhà cửa mà còn mang em nên mẹ con mới gởi con cho người khác. Gia đình người Mỹ này không có con, lại khác giả. Con vào đó ở bao nhiêu năm, người ta đối xử với con như thế nào, chắc con rõ nhất đó mà.

– Dạ. Con rõ. Người ta tốt với con lắm. Nhưng hình như mẹ không thương con như thương em.

– Thương con chớ!

– Nay mẹ không nghèo. Mẹ có nhà cửa. Sao mẹ không đón con về ở với em?

– Ơ! Cái đó…

Người cậu lúng túng. Ông cố tìm một lý do nhưng lý do nào cũng cài vào lòng thằng nhỏ những vết thương vì thiếu chân thực. Ông đành nói bừa:

– Chắc mẹ muốn cho con có tự do riêng?

– Tự do? Mẹ không phải đang sống trên đất nước tự do ư?

– Mẹ có khổ tâm? Giận mẹ không?

– Dạ không. Con không giận dù mẹ đã bỏ rơi con mà không cho con một lý do nào con lầm lỗi gì đối với bà ở cái tuổi lên ba! Con chỉ hơi buồn một chút nhưng nay quen rồi. Con nghĩ em cần mẹ hơn con. Nếu có con, mẹ không thể lo được cho em thì con cũng không muốn mẹ chia xẻ tình mẹ cho con. Hãy để mẹ trao hết cho em con.

Người đàn ông kêu trời thầm trong bụng. Ông đưa nó trở về phố biển. Những con thuyền đánh cá đêm nay đang nhấp nháy đèn ngoài khơi như đưa con người phiêu lưu cùng thiên nhiên để tìm thấy sức mạnh của con người.

*

Cậu thanh niên trở về Miami cùng người cậu. Anh cảm thấy đất nước này ngoài chút quan hệ cội nguồn thì vẫn là hoàn toàn xa lạ với anh. Sự xa cách này, lẽ ra, mẹ anh là người giúp anh nối lại nhưng mẹ anh đã không làm. Bà đã vạch ranh giới Việt-Mỹ khi bà mang anh cho người khác. Đất nước này chính ra là của anh thì anh lại bắt buộc phải nhìn nhận đó chỉ là quê hương thứ hai chứ không phải là quê hương thứ nhất!Người em của anh cũng đã bứt mẹ ra lấy người vợ mà mẹ không chấp nhận. Họ từ nhau.

Có một cái tin khẩn đánh đi từ ông cậu trong đêm cho hai cậu con trai của người chị: “Mẹ các cháu đang đau nặng tại bệnh viện…”.

*

Chicago tháng 12/2006. Người mẹ sắp ra đi vì ung thư. Trời mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo. Một chiếc máy bay đáp xuống phi trường O’Hare từ Miami mang theo đứa con mà người mẹ từ bỏ ba mươi bốn năm qua. Dòng máu của anh là câu trả lời vì sao mẹ anh đã không dám nhìn con dù khi bà trở thành một người có danh vị, bằng cấp và tiếng tăm. Tất cả những cái đó cuối cùng cũng không bằng một trái tim của thằng con trai mang hai dòng máu mà bà bỏ rơi khi còn thời xuân sắc! Người con bị bỏ rơi đi tìm trái tim người mẹ. Trái tim ấy đang đập những nhịp đập cuối cùng giữa một mùa đông băng giá.

Lần thứ ba cũng là lần cuối cùng, bà bỏ con mà đi. Lần trước, khi đi tìm sự sống, bà đã không chọn nó thì lần này đi về cõi chết, nó là người tiễn bà đi bằng trái tim đứa con dù là đứa con bị mẹ bỏ rơi vì thời cuộc!./.

Tháng 12/28/06
Ngọc Thiên Hoa

Quảng cáo/Rao vặt