Trần Anh Thái – KHÚC HUYỀN CA – Khắc khoải [Phần 1]
NGÀY ĐANG MỞ SÁNG [Trường ca] Trần Anh Thái
Phân tích tác phẩm:
Thể loại: Trường ca.
Nội dung:
Thấy được nội dung nhân bản vượt trội mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc (Thể hiện các chức năng văn học).
1. Số phận con người (Trước và sau chiến tranh)
2. Sức sống mãnh liệt của con người (vượt qua số phận: đau thương, tang tóc, nghèo khổ… để có khát vọng một cuộc sống tươi đẹp hơn trong tương lai).
3. Hạn chế nào còn tồn tại trong cách giải quyết vấn đề số phận con người?
Nghệ thuật:
Chú ý dạng thơ tự do và các phương pháp xây dựng nhân vật, miêu tả sự vật, sự việc góp phần tạo ra cấu trúc mới cho thi ca (thể hiện tính thẩm mỹ văn học).
1. Cách phân khúc cho thể loại trường ca: Hợp lý hay không?
2. Các biện pháp tu từ dùng để chuyển tải nội dung trên?
3. Hạn chế trong cách dùng từ, ngữ, hình ảnh, chi tiết… chưa phục vụ hết cho nội dung?
Cách phân tích: So sánh đối chiếu với các tác phẩm khác của tác giả và của các tác giả khác (trường ca, truyện, thơ, nhạc…) cùng đề tài, cùng nội dung để thống nhất giá trị nhân bản có được của tác phẩm.
Thể loại Trường ca:
Khái niệm cơ bản: Trường ca hay thơ trường thiên là một bài thơ dài gồm nhiều phân đoạn khác nhau về đại ý nhưng bao hàm trong một chủ đề. Nó là một thể loại văn vần hoặc vần tự do nhằm chuyển tải nội dung của hiện thực qua từng thời đại và hướng tới khát vọng chân chính của cuộc sống.
Nội dung trường ca bao hàm phải là những trường liên tưởng trong sáng dù trong hiện thực tối đen và chứa đựng suy nghĩ cao đẹp để hình thành một chân lý vượt qua thời gian, bay qua không gian bằng nghệ thuật với những ngôn ngữ văn học chân thành và ngôn từ nghệ thuật chắt lọc, kỹ xảo để đến với con người.
Nói cách khác, theo Lại Nguyên Ân, khái niệm Trường ca: “Thuật ngữ chỉ tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình… Trường ca với tư cách một thể loại tổng hợp, trữ tình – tự sự hoành tráng, cho phép kết hợp chấn động lớn, những cảm xúc trầm tư và những quan niệm về lịch sử” (Trường ca, trang 1866-1867, Từ điển văn học- Bộ mới, nxbtg-2004).
Giá trị: Trên thế giới, các nhà thơ nhận giải Nobel văn học từ năm 1901 đến năm 1998 đều có những trường ca đi theo nội dung này. Ví dụ như trường ca Le bonheur (Hạnh phúc) của Sully Prudhomme (René-Francois-Armand Prudhomme) – Pháp; trường ca văn xuôi Svenskarna och deras hövdingar (Người Thụy Điển và các thủ lĩnh) của Carl Gustaf Verner von Heidenstam-Thụy Điển; trường ca sử thi Der Olympischer Frühling (Mùa xuân Olympia) của Carl Friedrich Georg Spitteler-Thụy Sĩ; trường ca The Waste Land (Đất hoang), trường ca The Hollow Men (Những kẻ rỗng tuếch) của Thomas Stearns Eliot- Anh; nổi bật là trường ca mang tư tưởng nhân đạo Gitanjali (Thơ dâng, Hiến dâng hay Tâm tình hiến dâng) của Rabindranath Tagore – Rabindranath Thakur-Ấn Độ và trường ca chống chiến tranh The world: A naive poem (Thế giới: Bản trường ca ngây thơ) của Czeslaw Milosz- BaLan.
Các dạng:
Trường ca có nhiều dạng: Trường ca anh hùng dạng sử thi như Iliat của Homer thời Hy Lạp cổ đại, hoặc trường ca sử thi theo khuynh hướng lãng mạn như The Song of Hiawatha (Bài ca về Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow. Trường ca – tình ca Bãi chiến trường – Waterloo (The Field of Waterloo) của Walter Scott; hay là trường ca tôn giáo của Dante như Thần khúc – La divina commedia, về sau có tên là Dante’s Divine Comedy (Thần khúc của Dante, do Henry Wadsworth Longfellow, Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn dịch). Chủ soái thể loại này có thể nhắc tới Vladimir Vladimirovich Mayakovsky với 6 trường ca lãng mạn nổi tiếng trong đó Wearing pants under a lot of cluods (Những đám mây mặc quần) vượt trội. Hầu hết những trường ca này đều nêu bật lên được những ước mơ chân thiện mỹ. Chúng lấy tình nhân ái, tình yêu làm nền tảng, lên án sự lừa dối, chán ghét chiến tranh và không bị chi phối bởi một cơ chế chính trị nào nên chúng có tính thời gian (tuổi thọ của tác phẩm) một thuộc tính văn học quan trọng mà ít tác phẩm đạt được ngay cả những tác phẩm được giải thưởng này nọ kia…
Tính thời gian là một thuật ngữ văn học có giá trị như một huân chương trên ngực cho những tác phẩm văn học. Tác phẩm nếu chưa hội đủ các chức năng văn học (thẩm mỹ và giáo dục hướng thiện) thì chưa thể công nhận là tác phẩm văn học mà chỉ là tác phẩm của tác giả. Trường ca cũng không ngoại lệ.
Mỗi thời đại đi qua, con người nhận thức cuộc sống khác hơn, trường ca cũng song đôi theo lịch sử phát triển của nhân loại. Có thể nói, trường ca nói riêng hay văn học nói chung đều theo mùa nước nổi cuộc đời về nội dung lẫn hình thức.
Đôi nét về lịch trình phát triển trường ca ở Việt Nam:
Tiêu biểu:
Trước chiến tranh, trường thi thực sự là trường ca chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường ca sơ khởi có thể nói tới bộ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của dân tộc Mường; sử thi “Trường ca Đam San” (Klei khan Y Đam San-Bài ca chàng Đam San) của dân tộc Ê Đê đấu tranh cho khát vọng tự do; “Xinh Nhã” của dân tộc Ê Đê và Giarai chống áp bức hay “Xống Chụ xôn xao” của dân tộc Thái ra đời khi con người đi tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên.
Trường ca người Kinh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung tính từ năm 1951, ta thấy có “Từ đêm 19” (Khương Hữu Dụng); “Trường ca“-1945-1957 (Xuân Diệu); “Đi! Đây Việt Bắc“- 1955 (Trần Dần); “Gió Nam“-1962 (Trần Hữu Thung); “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi (Lê Anh Xuân); “Ngày hội rạng đông“-1978 (Võ Văn Trực); “Theo chân Bác” (Tố Hữu)… Tới chừng này, trường ca mới bắt đầu hội kiến văn học. Thật sự phải chờ tới khi nhà thơ Thu Bồn nhận giải thưởng của Hội nhà văn Á – Phi năm 1973 với trường ca chiến tranh “Bài ca chim Chrao” -1962 và liên tục sự bùng nổ chùm trường ca Thu Bồn ra đời như “Badan khát” -1976, “Campuchia hy vọng”-1978, “Oran 76 ngọn”-1979, “Người vắt sữa bầu trời -1985, “Quê hương mặt trời vàng” -1985, “Thông điệp mùa xuân” -1985, thì người ta mới thấy được sức mạnh và hấp lực của thể loại trường ca này. Lập tức, trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm chào hàng năm 1974 đi theo nhịp bước “tiến vào Sài Gòn” của khí thế chiến trường chung miền Bắc với “Khúc hát người anh hùng“-1974 của Trần Đăng Khoa. Trước đó, Giang Nam có trường ca “Người anh hùng Đồng Tháp“-1969 và tới 28 năm sau, cho ra “Ánh chớp đêm giao thừa“-1998 và dù “Sông Dinh mùa trăng khuyết” năm 2002 sinh sau, đẻ muộn nhưng nó vẫn cho thấy tác giả vẫn còn sung sức.
Thêm sức sống cho trường ca, ba trường ca “Đường tới thành phố” năm 1977-1978, “Trường ca biển” năm 1981-1994, “Sức bền của đất” của Hữu Thỉnh ra đời. Văn học đón nhận thêm “Trường ca sư đoàn” -1980 cùng trường ca đang viết “Mở bàn tay gặp núi” -2007 hừng hực của Nguyễn Đức Mậu và không bỏ quên “Trường ca Đồng Lộc” (Con đường của những vì sao) -1980 của Nguyễn Trọng Tạo. Trong khi đó, Trần Mạnh Hảo hiên ngang, nhân ái với trường ca “Mặt trời trong lòng đất”- 1981, “Đất nước hình tia chớp”-1994 và “Trường ca Điện Biên Phủ”– 2001-2004.
Hưởng ứng… “Hịch trường ca”, hàng loạt trường ca bén lửa, bén đất ra đời nổi bật là“Trầm tích”-1992 đầy chất địa phương của Hoàng Trần Cương; loáng thoáng trường ca “Người lính đi đầu” của Thanh Quế; “Trường ca thành Tây Đô” của Văn Đắc và đã tới ngày… sinh nở trường ca “Chín tháng” năm 2000 của Y Phương cộng thêm trường ca “Hơi thở rừng Hồi” của Vương Trọng; loạt trường ca “Những người lính của làng”-1994-1996. “Nhịp điệu châu thổ mới”, “Nhân chứng của cái chết” của Nguyễn Quang Thiều thử sức dẻo dai trên thị trường thơ dài hơi thời hậu chiến thì trường ca với vóc dáng nam nhi oai hùng của nó bắt đầu hiện đầy đủ ba phần thân thể con người nhưng thiếu chút… sữa mẹ để được “bụ bẩm” hơn.
Thổi thêm luồng sinh lực cho trường ca, không thể vắng bóng trường ca của Anh Ngọc “Sóng Côn Đảo“, “Sông MêKông bốn mặt“-1988, “Điệp khúc vô danh“-1993, “Sông núi trên vai”-1995; còn có “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng; “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” của Phạm Tiến Duật năm 1997. Ngoài ra các trường ca “Chia tay cửa rừng” của Phạm Sĩ Sáu; “Trường ca Cổ tích làng cát” của Mai Nam Thắng trong giai đoạn 2001-2003 có mặt kịp thời trong các phong trào thi sáng tác về đề tài chiến tranh. Năm 1999, “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh sau 30 năm mới có dịp hòa nhập vào làng trường ca. Khi Thanh Thảo đặt mốc với trường ca “Những người đi tới biển” năm 1977 và thế chân Thu Bồn đăng quang trong thể loại khó gặm này với “Trẻ con ở Sơn Mỹ“-1978, “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”-1980, “Bùng nổ mùa xuân”-1982, “Đêm trên cát”-1983, “Khối vuông rubích“-1985, “Trò chuyện với nhân vật mình“-2002, “Cỏ vẫn mọc”- 2002 thì khái niệm trường ca được coi như hoàn chỉnh về tên tuổi nhưng vẫn chưa có tầm vóc“hoành tráng” và chưa có tiếng nói chung cho nhân loại về“khát vọng chân chính của cuộc sống” để hòa âm cùng các trường ca thế giới.
Hầu hết các nhà thơ nói trên đều nhận các giải thưởng văn học vẻ vang mà trường ca góp phần mang lại cho tác giả chút công lao bút mực.
Gót chân Asin: Các tác giả viết trường ca ít chăm chút gội rửa tư tưởng, còn khả năng bứt phá ra thế giới bên ngoài để đón nhận luồng tư tưởng nhân văn của nhân loại thì chưa rõ nét. Vì mãi chạy theo phong trào “ăn nóng uống lạnh” mang tính chất phục vụ nhiều hơn văn học nên các trường ca vẫn lùng bùng theo đường lối “tổ ong” và sự chuyển mình còn rối rắm chứ không lọt vào trong vòng xoắn DNA. Nghĩa là vẫn mang tư tưởng “thương nhau tốt xấu một nhà. Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”! Thù sâu, đau nặng và ghét thương, xấu tốt chưa ném chính xác vào đâu! Sự hạn chế đó cũng vì ảnh hưởng tính tư tưởng của tác giả cũng là tính khuynh hướng chung của xã hội đương thời chi phối! Mặt khác, vì nặng nề với cái “tôi” xuyên suốt tác phẩm, chạy theo “cách tân” mơ hồ, các tác giả vận dụng tất cả những thể loại thi ca vào trường ca làm cho chúng rối tung lên, chất lượng văn học vì thế như đãi cát tìm vàng. Giải thưởng chỉ là tượng trưng, chất lượng mới là đáng quý, chức vị chỉ có hư vì, danh dự mới là giá trị.
Chuyển hướng sang một phương pháp sáng tác mới, trường ca thứ ba của Trần Anh Thái thức dậy cùng mặt trời dù là mặt trời còn trong mây mùa thu!
KHÚC HUYỀN CA – NGÀY ĐANG MỞ SÁNG
Sau hai trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời” và “Trên đường” như hai đóa hoa rừng cài trên chiếc áo trạng nguyên tăng phần duyên dáng cho thể loại rất kén đọc giả này thì “Khúc Huyền ca – Ngày đang mở sáng“, trường ca mới nhất của Trần Anh Thái một mình vượt lên đổi mới và cùng nằm trong thể loại trường ca nói trên mang tính nhân bản. Mặc dù nó chưa chứa nổi “dung lượng lớn” và mang tính chất “hoành tráng” nhưng nó được công nhận với đầy đủ tư cách một “thể loại tổng hợp” khi được chuyển tải trên 44 trang giấy với 5.868 từ gồm mười một ca khúc đan chéo nhau giữa bi và tráng, giữa hoàng hôn và bình minh.
Nhìn nhận, 11 khúc ca trong “Khúc Huyền ca” của Trần Anh Thái tương phản nhau giữa bóng tối và ánh sáng; giữa thất vọng và niềm tin; giữa hiện thực và ước mơ. Chúng có giá trị văn học nhất định nếu được hiểu đúng theo chiều tươi sáng nhất.
Giá trị của một tác phẩm bao giờ cũng được xét theo hai mặt: Nội dung và hình thức theo truyền thống.
GIÁ TRỊ NỘI DUNG
Lời mở:
Đã mấy chục năm qua rồi, những nỗi đau mất mát cũng như chút hạnh phúc nhỏ nhoi bên lề sự sống đều chìm theo thời gian, theo từng số phận mong manh. Con chim trước khi chết vẫn hát lên bài ca lãnh lót. Cỏ cây bị dầm bẹp đầu vẫn cố nhoi lên tìm lấy sự sống trong khô cằn. Con người trước những đau thương, khốn cùng cũng vặn mình chổi dậy. Ở đâu có nấm mồ, ở đó, cỏ vẫn xanh dù trong hắt hiu, dù trong chiều buồn. Ở đâu có nước mắt, ở đó có lời thơ trôi qua từng năm tháng.
Trần Anh Thái với lời thơ trôi qua từng năm tháng hình thành một bản trường ca “Ngày đang mở sáng” tức “Khúc Huyền ca”. Thanh Thảo trong “Ta ngạt thở chờ bước chân em tới” (toquoc.gov.vn) đã nghĩ về bạn mình: “Anh viết như anh thở, viết như anh vui như anh buồn như anh đau như anh chết”.
Tôi đã viết như tôi đã chết
Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau..
Hai câu thơ đẫm đầy nước mắt thời cuộc, lặng lẽ theo gió về với ngàn sau. Lời huyết thư như cạn kiệt dòng dư lệ chảy theo từng số phận con người. Trần Anh Thái đưa nó về cuối bản trường ca “Khúc Huyền ca – Ngày đang mở sáng” như ký hiệu kết thúc một bản nhạc về con người trước và sau cuộc chiến, tự đẩy lùi hoàng hôn để tìm thấy bình minh.
A. Thiên nhiên và con người trong ca khúc hoàng hôn:
I Thiên nhiên:
1. Cánh đồng, đất đai: Trong các trường ca chiến tranh nói trên, cánh đồng quê hương nếu không“chảy máu” thì hầu như nhòa trong mắt người đầy khói súng trên “mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm và “đất còn đang nhỏ máu ngày ngày” mà Văn Cao trong trường ca “Những người trên cửa biển” đã ghi hoặc “bữa ăn đào từ đất” mà “đất lại bỏ hoang” trong trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh. Hoàng Trần Cương với trường ca “Trầm tích” nhích hơn trên khô cằn, tang tóc vì có thể mô tả cánh đồng của mình “mảnh đất nghèo mồng tơi chưa kịp rớt” nhưng lại:
Cánh đồng lúa đang thì con gái
Mẹ lận vào lưng không phải mấy con cua mà đùm hạt giống
… Khi lúa lốp sợ nhỡ thì con gái
Đất ruộng làng ta cũng đã mỡ màu
Thiên nhiên trong “Trầm tích” vô cùng lãng mạn khi bóng dáng nguời yêu “Em ngang qua chiều. Nắng thơm mùi rượu. Mắt sông. Môi lửa. Gió lên đồng” hiện hữu bên người lính chiến phong sương.
Riêng với “Khúc Huyền ca”, thiên nhiên mở ra một bức tranh với cảnh đồng quê không còn nguyên vẹn như “Bức tranh quê” của Anh Thơ mà là một cánh đồng:
– Khô nức nẻ.
– Rười rượi luống cày.
– Ngày không gió.
– Cánh đồng đói khô.
– Xác xơ.
– Đất nổ tung.
– Ẩn đầy bất trắc.
– Lấp sấp.
– Mờ nhòa sương khói.
Nếu cánh đồng trong“Khúc Huyền ca” xác xơ thì cánh đồng trong tập thơ“Trên đường” (Nxb HNV-2004) của Trần Anh Thái mà Dương Triều Minh trong “Trường ca ‘Trên đường’ một cuộc đổi mới thơ” (evan.com.vn), cho rằng đây là: “một trường ca cuộn xiết khát vọng như làn gió run rẩy vừa trào sôi vừa bền bỉ nhẫn nại“, chẳng còn nguyên lành chi. Chúng giống như “Cánh đồng hoang” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Nguyễn Hồng Sến năm 1979. Hình như trong tác giả, hình ảnh cánh đồng quê nhà khô hạn, chết cháy đã in đậm trong tâm trí không dễ gì xóa bỏ.
Mở đầu “Trên đường” là “Khúc ca quê hương”, hiện ra:
Cánh đồng như ẩn hiện bóng người
Gió khe khẽ một bài ca cũ.
Xuyên suốt tập thơ, cánh đồng ấy chỉ là một “cánh đồng khô hạn”. Trong khúc ca về “Ba Bể” (Trên đường), một cánh đồng theo nhận diện của người trong thơ:
Tôi nghe nức nẻ cánh đồng
Tiếng thở dài mặt ruộng
Hạt gieo chưa kịp nẩy mầm.
Trong khúc “Trở về” (Trên đường), nhân vật chính đã chuyển mình về trạng thái một người lớn hơn, ý thức hơn từ “tôi” sang “anh” cho một đối tượng khác nhưng cánh đồng trong anh nào có đổi thay gì, nó vẫn chỉ là một cánh đồng buồn hiu:
Anh nghe thẳm thẳm cánh đồng
Lời ru vọng lại
Cánh đồng hun hút
Cúi đầu nhìn tay.
Nhìn đôi tay đã bất lực hay nhìn tay mình để đọ sức với thiên nhiên? Ta hãy nhìn cánh đồng trong ký ức của Trần Chấn Uy:
Hút tầm mắt vồng ngực cánh đồng
Phì nhiêu lúa tràn bờ như sóng vỗ
đầy sức sống với những “con cá rô đồng mập mạp nằm phơi lưng” của một thời chưa từng có hoàng hôn chiến tranh và nỗi buồn thế sự đã thay bằng cánh đồng khô hạn, con người khổ sở như trong cánh đồng Trần Anh Thái. “Những cánh đồng thơm ngát, những ngã đường bát ngát” trong “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Đình Thi cũng một đi không trở lại vì chiến tranh:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
Cánh đồng mất mùa của Trần Anh Thái chẳng ghê gớm như hình ảnh ẩn dụ “dây thép gai” trong “Đất nước”. Nó cũng không mơn mởn như trong “Trầm tích”:
Cánh đồng lúa đang thì con gái
Mẹ lận vào lưng không phải mấy con cua mà đùm hạt giống
Cánh đồng trong “Khúc Huyền ca” cụ thể khô hạn là do thiên nhiên khắc nghiệt, do chiến tranh chứ không phải là một cánh đồng lắm ma nhiều qủy mà trong đó, những người lao động thì ít mà kẻ mê xác thịt, ham hố dục vọng, thiếu văn minh và mất tính người thì nhiều như trong“Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư hay là “Chốn vắng” của Dương Thu Hương. “Khúc Huyền ca” cũng chẳng công kích cụ thể từng hạng người như trong thể loại tiểu thuyết mà “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Tường là một điển hình hay nó không thể êm ả như “Nắng đồng bằng” của Chu Lai hoặc “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh.
Giữa hai cánh đồng một hiền lương, một ác ma, cánh đồng nào là cánh đồng hiện thực đáng cho người đọc cảm kích, thương tâm còn cánh đồng nào lùi về thời tiền sử đáng ghê rợn? Cánh đồng nào là hiện thực của đất nước Việt Nam, cánh đồng nào là phi hiện thực của dân tộc Việt Nam? Giá trị thực sự nào của tính dân tộc được thể hiện?
Con người lao động càng thất vọng, càng nghèo khổ thì khát vọng về một cánh đồng xanh mơn mởn, đầy sức sống sẽ được nhân lên theo cấp số nhân về một chân trời mênh mông…
Các tác phẩm có giá trị văn học, đương nhiên phải có tính chất này. Có những tác phẩm mở đầu và kết thúc chỉ một bức tranh hay chỉ một màu xanh hoặc màu xám. Công tắc một. Một số tác phẩm khi mở đầu là khoảng tối nhưng kết thúc là ánh sáng. Công tắc hai. “Khúc Huyền ca” đã bật công tắc hai:
Nước dòng sông tự chảy tràn trề
Tươi thắm cánh đồng màu mỡ phù sa.
Thoạt đầu, ta thấy “Khúc Huyền ca” mở ra trước mắt chúng ta chỉ là một biển trời âm u…nhưng nó bất tử cũng như “Cánh đồng không bao giờ chết” của Nguyễn Hữu Qúy.
2. Biển trời:
Nếu biển trời trong “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh để cho người lính biển cùng biển hồn nhiên “đối thoại’, để cùng nhau tâm tình trên “cát“, để biển nghe lời thì thầm “tự thuật của người lính” cùng sóng tự hào “đất này” để ray rứt vì “hóa thạch những dòng sông” và được cùng nhau vượt qua “bão biển” thì biển trời của “Khúc Huyền ca” đau đáu con tim:
– Chật vật.
– Trời đang vỡ ra.
– Trăng rằm côi cút.
– Sông Vệ thẩn thờ, kiệt dòng.
– Sóng âm thầm gục trên bờ cát.
– Đường kiệt sức.
– Rừng đạn bom.
– Không gian ngột ngạt.
– Những vì sao tối dần.
Nếu biển trời trong “Khúc Huyền ca” đã “kiệt sức” thì biển trời trong “Trên đường” cũng “không còn vỗ sóng”:
Biển không còn êm đềm vỗ sóng
Ta chạy như bay giấc mơ bên bờ biển
Chợt vấp vào đáy sâu không rõ hình hài.
Con người không rõ mình là ai trong “đáy sâu” của biển. Biển… nuốt trọng những giấc mơ thời thơ trẻ trong “Giấc mơ sau 11/9” (Trên đường):
Sóng cồn gió cát
… Biển Đồng Châu năm tháng vỗ u trầm
Người sống thoi thóp nên trời biển cũng từng cơn hấp hối tâm linh. Một ý tưởng trong tiềm thức vọng ra. Một dấu hỏi ngàn năm mãi hỏi. Một ẩn dụ cho cuộc đời, cho số phận chung: “Không có bờ sóng vỗ vào đâu?”. Không có bờ cho con sóng vỗ thì làm sao có chỗ cho con vật làm hang trong “Trở về”:
Con chão chuột trong hang dụi mắt
Tiếng sóng khàn đêm.
“Tiếng sóng khàn đêm” hay tiếng người gào thét? Biển không bờ hay người chẳng bến đi? Như nhau. Người không chỗ tựa để mặc “nước triều xô lệch bàn chân”. Đời đen tối cũng như biển nhưng cùng biển tri âm:
Biển bốn mùa sóng đục
Tôi soi dọc đời tôi.
Biển che chắn tôi
Tiếng sóng nhọc nhằn.
Giữa biển trời và người có mối thâm tình nhất định không thể chối bỏ. Nó có thể là mối thâm tình phụ tử “ấm áp như vầng thái dương” trong “Tình cha” của Ngọc Sơn; hay tình mẫu tử mà nhạc sĩ Y Vân trong “Lòng mẹ” đã tha thiết ngợi ca “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” nhưng không thấy rõ nét tình yêu như mối liên hệ khắng khít giữa “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh. Tiếng sóng của Trần Anh Thái “khàn đêm” thất vọng đến não ruột chứ không còn thời gian nồng nàn, “dịu êm” như sóng Xuân Quỳnh:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
“Khúc Huyền ca” về biển cũng vắng mặt một tình yêu “hôn thật khẽ thật êm” nóng bỏng “như nghiến nát bờ em” trong tình “Biển” của Xuân Diệu. Lãng mạn bỏ chăn, nhường chiếu cho hiện thực đắp trong “Cát” (Trường ca biển) của Hữu Thỉnh:
Cát và cát
Ầm ào sóng biển
Gió và gió
Ngày ngày lại đến
Xóa đi phần mộ của anh nằm
Chúng tôi lại cùng nhau bới cát
Chôn anh thêm một lần.
Biển trong Trần Anh Thái không có người để “bới cát”, để “xóa đi phần mộ” mà nó cứ se xót một ẩn dụ: “Biển mãi hát giữa không bờ bến. Sáng mai này, cát trắng chết tinh khôi” (Khúc ca quê hương, Trên đường). Một cái chết trong sạch của “Trên đường” cũng như của “Khúc Huyền ca”. Một cái chết chôn hai lần của “Trường ca biển“. Một cái chết sinh lợi trên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Ngàn cái chết hai lần thịt da nát tan của “Hát trên những xác người“! Cái chết không tên nhưng biển gọi có tên. Biển của Y Vân dành cho mẹ trong “Lòng mẹ” là biển Thái Bình, còn biển của Trần Anh Thái có tên “cúng cơm” là Đồng Châu. Đọc “Khúc Huyền ca” hay “Trên đường”, ta bắt đầu làm quen với cái tên Đồng Châu. Đồng Châu của ”Khúc Huyền ca” là một bãi tắm hấp dẫn du khách hiện nay. Một ca khúc thời một ngàn chín trăm… bật ngữa với một người con trai nào đấy, tự tình hứa với người thương rằng anh: “Sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải. Nghe sóng Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa” (embracel.blogsome.com). Thì ra, biển Đồng Châu ở ngay trên quê hương của tác giả (Tiền Hải – Thái Bình). Vậy mà trước đó, Đồng Châu chỉ dự báo những chuyện đau buồn, phân ly! Vì sao? Biển Đồng Châu của Trần Anh Thái hay của chú bé hồn nhiên trong “Khúc Huyền ca” luôn là một biển động:
Mưa sắp đổ phía Đông Hoàng
Biển Đồng Châu sấm chớp.
Vạn vật đều có tâm linh cũng như dự báo thời tiết. Dự báo thời tiết lắm khi trời ơi, nhiều phen đất hỡi nhưng những biến động của cuộc đời, của thiên nhiên trong giác quan thứ 6 của con người bao giờ cũng chính xác mà chẳng tử vi, bói toán nào bói một quẻ trả lời vì sao? Dự đoán thời tiết trong “Khúc Huyền ca” là “Biển không còn êm đềm vỗ sóng“. Biển trời nỗi phong cũng như báo động về số phận con người lao động trên quê hương. Người nông dân trong “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông tự hào“bàn tay ta làm ra tất cả” với đồng ruộng. Người lính biển trong “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh châm bẩm lời ru của mẹ “ra sông lấy sóng mà yêu, đường xa gặp núi lấy đèo mà tin”. Ngư dân yêu biển của mình như trong “Khúc Huyền ca” tràn đầy tha tình cảm tha thiết với thiên nhiên và tự hào về người lao động chứ không phải phỉ báng cái nghèo của họ và họ chẳng phải là lính gì cả:
Ta người dân chài hát trên sóng biển
Sóng vỗ nhọc nhằn về những ước mơ.
Chiến tranh với những “nhọc nhằn” làm người ta quên đi những con sóng tình yêu có tự bao giờ! Bạn bè với trời đất, con người cũng còn lại là những sinh vật như số phận con người lao động thoi thóp theo ngày tháng trước khi tự vực mình đứng dậy.
3. Sinh vật:
Trong trường ca “Mặt đường khát vọng“, sinh vật của Nguyễn Khoa Điềm đầy sinh khí, dễ thương với tuổi học trò: “Bèo lục bình mênh mang màu mực tím” còn “Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi” và “những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng, rút những cọng rơm vàng về kết tổ” . Sinh vật cũng ngàn ngạt hương trong “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh:
Thơm nín hương cau
Bời bời hoa bưởi
… Châu chấu cào cào xanh tím rủ tôi đi.
nhưng lại xác xơ vì chiến tranh trong “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm: “Ôi những con cò “tỵ nạn” khô gầy. Đêm đêm lại về hàng cây thành phố. Lao xao tìm chốn ngủ. Những bờ bãi nào không dành cho cò nữa. Những luỹ tre nào bom đã khai quang? Ôi những hàng cây từng in bóng huy hoàng. Trên đại lộ những năm đời mới lớn. Giờ đổi lá trầm ngâm màu tóc trắng. Của bụi đường và khói hơi cay…”. Sinh vật trong “Khúc Huyền ca” lại lặng lẽ với cuộc sống u buồn hiện thực hơn:
– Tiếng cuốc kêu đói lả.
– Chim sếu co ro.
– Không có hoa mào gà.
– Nhện giăng qua đường.
– Chim trói cột gõ vang
– Bầy quạ đen hốt hoảng.
– Thuyền trôi dạt.
– Côn trùng rền rĩ.
– Những con còng rúc hang.
– Cây vú sữa trái mùa rụng lá tím bầm mặt đất.
Những ngọn cỏ thiếu nguồn sinh úa ngọn xanh xao.
Sinh vật trong “Khúc Huyền ca” không có âm vang vui tươi với những tiếng “cút cu, cút cu chim rừng ca trong nắng” như trong “Nhạc rừng” của Hoàng Việt. Nó cũng không có âm vang rộn ràng bởi những tiếng “chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi” trong “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn“ của Lư Nhất Vũ.“Khúc Huyền ca” cũng chẳng thể mơ mộng“nước khe cạn bướm bay lèn đá” trong “Trương Sơn đông, Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật. Vì sao?
Vì những khúc ca viết cho một thời kỳ chiến tranh thì mọi thứ đều phục vụ tâm lý chiến. Nét hiện thực phục vụ cuộc chiến chắc chắc sẽ được thêm ánh bình minh với tiếng chim rộn rã. Với “Khúc Huyền ca”, Trần Anh Thái như viết cho mình, đã suy nghĩ, và quyết định cho nổ tung… Người trong cuộc là người biết nhiều nhất. Dĩ nhiên, nó thực hơn là mộng. Điều chắc chắn, Trần Anh Thái không mượn dòng sông để nhắn nhủ người yêu như Thông Đạt trong “Ai về sông Tương?” Không mượn khung cảnh héo tàn mà thố lộ tình yêu. Một bầu trời ảm đạm. Một thế giới chui rút thì làm sao có chỗ cho tình yêu lứa đôi! Không muốn mất cái này thì phải hy sinh cái kia. “Không có bữa tiệc nào dọn sẵn” nhưng vẫn có “ánh sáng nâng niu qua những khổ đau”. Vậy thì hãy trân trọng và giữ lấy nó. Chưa có thì đành cùng đắm mình trong thế giới sinh vật mà vui buồn cùng nhau. Hóa thân của nhà thơ thường là đấy!
Trong “Thức dậy một mặt trời”, cây trái cũng chẳng tươi tắn hơn:
Hết năm rồi cây vườn không còn rụng lá
Quả mướp già queo quắt cạnh bờ ao.
Có phải những âm thanh vui nhộn của thiên nhiên ban cho sinh vật cũng bị ảnh hưởng chiến tranh mà mất tính hồn nhiên hay trong người thơ đã mất đi sức sống vì “dòng sông thời gian“? Không hòa mình với thiên nhiên thì sao hiểu chúng rõ ràng như thế? Cũng như trong “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương chỉ còn lại mùi cỏ ký ức có tính cách tố cáo tội ác chiến tranh:
Mùi cỏ còn đắng nghét đến hôm nay
Mùi cỏ dẫn con vào năm tháng thơm lành.
Mùi cỏ mặn và khắn như lông bò tẩm nắng
Mùi cỏ khét dây trói tay cha.
“Khúc Huyền ca” chẳng hề so sánh gì hết. Nó chỉ là người khắc chữ trên cây, đóng đinh trên đá. Từ ngữ thả xuống muôn vàn ẩn ý hiện ra đồng điệu với sinh vật trong “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa:
Tiếng sương rơi rộp… rộp… mái tranh
Gợi dáng cành tre lả theo chiều gió
Tiếng xa vắng côn trùng trong cỏ
Gợi chiều sâu không cùng của đêm
Hình như cứ sau một tứ thơ tả thực cảnh tan tác của sinh vật:
Một tiếng chim côi cút rừng xa
… Căn hầm xưa um tùm hoa dại
… Hoa Mua tím giữa rừng
Khàn tiếng quạ kêu
Thì lập tức “Khúc Huyền ca” lại “lưỡng phân” thêm một mầm sống, một tia sáng hy vọng bằng “Những sinh linh bé bỏng yếu mềm dựng lên gương mặt trần gian”. Không hòa mình với thiên nhiên thì sao hiểu chúng rõ ràng như thế? Không hiểu sự sống quý báu của con người thì làm sao hiểu được giá trị thời gian?
4.Thời gian:
Thời gian trong “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương là thời gian mặc niệm “Lặng im mới dài lâu. Lặng im là màn đêm ngậm một nửa địa cầu”.
Thời gian trong “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo được nhân hóa trong sắc áo ẩn dụ “như cỏ” có sức sống và như “kim chỉ nam” cho con người sau chiến tranh:
Thời gian như cỏ vượt lên
Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua
… Vùi trong trảng cỏ thời gian
Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
Vẫn đằm hơi ấm thiết tha
Cho người sau biết đường ra chiến trường…
Thời gian của Nhật Minh có bị xước bị cào thì cũng là “Bình minh“: “Từ những vệt xước thời gian trên màu ngói, đang sáng lên một hơi thở mới”. Thời gian của Đoàn Phú Tứ toàn màu sắc qua thính giác, thị giác:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.
Thời gian trong “Trường ca sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu là thời gian tâm lý nặng tính dân dã “Mẹ bấm đốt ngón tay tính trăng tròn mỗi tháng. Chúng con đi dọc Miền Tây, Trường Sơn… Ngón tay khô gầy. Mẹ tính đốt thời gian”. Thời gian trong “Khúc Huyền ca” trái ngược ngay cả khi nó “rỏ máu” như Trần Đăng Khoa trong “Khúc hát người anh hùng” đã ẩn dụ “Thời gian rỏ từng giọt máu”. Thời gian trong “Đổ bóng xuống mặt trời” nhòa với đất chiến tranh: “Chiến tranh đi qua dọc con đường đầy hoa tươi và vòng tang trắng. Nắng tháng năm nhoà gương mặt thời gian. Thời gian đi mất. Hoa của trời héo đổ thời gian. Tôi đắp vào da thịt mình những mảnh màu ẩn sâu trong đất Và dâng lên đầu lưỡi rìu máu đất đỏ thời gian”. Thời gian trong “Khúc Huyền ca” là thời gian chiến tranh, nó đi qua chỗ nào, chỗ ấy chẳng còn sinh khí:
– Tháng năm gầy mòn, yếu ớt.
– Bình minh chết trong chùm mây bạc.
– Ngày chật hẹp.
– Thời gian rỉ máu
– Hoàng hôn khép vào đêm nhàm chán.
– Ngày buông nắng thẩn thờ.
– Nắng qua thờ thẩn.
– Ngày tháng loanh quanh.
– Hoàng hôn mặt trời
– Bóng tối lặn thinh.
và cũng là thời gian tâm lý “Tôi quên chiều chiều mẹ ngồi bậu cửa, tiếng thở dài trĩu nặng gánh thời gian”. Thời gian được nhân hóa. Trước hết, nó cũng già nua, ”yếu ớt”, bệnh hoạn, ”rỉ máu” như con người. Sau đó, nó trở thành thời gian của lửa “Lửa đang sáng lên phía chân trời” và hòa lẫn vào ngàn ánh lửa trong các trường ca bạn bè.
Còn bây giờ: Một bức tranh cánh đồng, biển trời, sinh vật, thời gian tan hoang, khô cằn, tan tác và không sức sống hiện ra. Giữa cảnh thực thiên nhiên như thế, con người xuất hiện chống chọi như thế nào qua giá trị tính hiện thực của tác phẩm?
II. Con người với từng số phận:
Con người là sản phẩm của xã hội. Xã hội như thế nào, con người như thế ấy. Trong tác phẩm của tác giả, con người được xây dựng, miêu tả với những nét tính cách trần trụi, nhiều khi dung tục hóa nhưng khi họ đi vào tác phẩm của văn học thì những nét tính cách văn học thay thế nét tính cách trần trụi. Thay thế được những nét tính cách này, nhân vật văn học đòi hỏi khả năng cầm viết và tính tư tưởng mang giá trị nhân văn của tác giả.
“Tính cách là hình ảnh con người được phác họa đến mức đủ rõ và đủ xác định, thông qua đó làm bộc lộ một dạng hành vi, suy nghĩ lời nói có căn nguyên lịch sử, đồng thời cũng làm bộc lộ một quan niệm của tác giả về tồn tại con người” (Lại Nguyên Ân, tính cách, trang 1736, Từ điển văn học-Bộ mới, Nxb tg-2004).
Trường ca là thể loại tổng hợp trữ tình và tự sự nhưng tính tự sự đã được trữ tình hóa, nét tính cách nhân vật trong trường ca chưa rõ lắm như trong các thể loại kịch, tiểu thuyết, truyện nhưng không phải là không có. Trước hết là những con người lao động vì không có đối tượng này, thế giới con người không tồn tại. Nét tính cách và sự phát triển nhân vật trong trường ca tùy thuộc vào chủ đề mà tác giả chọn. Nó không nhất thiết phải hoàn toàn là người lao động nhưng hình như các chủ đề trong các trường ca trước và sau hậu chiến của Việt Nam, không nhiều thì ít vẫn mang bóng dáng người lao động chân đất buồn vui qua những thăng trầm.
1. Người lao động: Trong trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa, hình ảnh người lao động là những người nông dân như bà Chanh, bà Bưởi, cụ Đình đấu tranh với “hai bàn tay để cày xới đất” đã trở thành bất tử:
Tâm hồn của một người dân
Đã thành ánh sáng trong ngần hôm nay…
Những con người lao động trong “Trường ca sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu là những người lính thực sư từ những giai cấp công nhân, nông dân, trí thức nhập cuộc:
Những liềm búa, cuốc cày nhập ngũ.
Những câu thơ, giáo trình nhập ngũ
vào làm “lính binh nhì“: “Không có mũ: đội trời. Không dép giày: chân đất. Ba lô chưa kịp phát. Gói võng làm ba lô” nhưng gián tiếp vẫn là những con người lao động âm thầm mà họ một đời mang ơn:
Chúng tôi biết ơn bà mẹ nghèo làng Gióng
Đã nuôi con lam lũ, nhọc nhằn”.
Người lao động trong trường ca “Mặt trời trong lòng đất” của Trần Mạnh Hảo là những người Củ Chi ngày lao động tối đào hầm. Người lao động trong trường ca “Sóng Côn Đảo” của Anh Ngọc là những người dân, tù Côn Đảo quật cường. Người lao động trong trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết” của Giang Nam là liệt sĩ Nguyễn Thị Trừ xuất thân từ dân lao động Ninh Hòa – Khánh Hòa “mẹ sinh ta trong rơm rạ khô nghèo”. Trường ca “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” là những người nông dân theo Trương Định khởi nghĩa, “Đường tới thành phố” hay “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh là những người lính có gốc tích từ dân lao động… Họ vẫn nhớ từng con tép, ngọn rau và giữa chiến trường vẫn miệt mài lao động:
Cám ơn ngọn rau dựng người ốm dậy
Cám ơn con suối, cám ơn bờ khe
Con tép chết bom từ bến ngược trôi về
Nếu không đói không thể nào vớt được
Phát một mảnh rừng, trần lưng cuốc cuốc
Cuốc và vun rồi kéo cỏ ngụy trang.
Khắc họa được nét tính cách của người dân lao động toàn diện, phải nói đến trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương. Như cái tên gọi, người lao động hiện dần qua ký ức họ là niềm tự hào của người lính trẻ miền Trung. Nguồn gốc của anh trong “Nguổn cội” đơn giản mà diệu kỳ:
Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Tôi lấm láp đáp mình vào đất
Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu
Liên tục những đầu đề phân đoạn là cội nguồn của người lính miền Trung như “Đất mật” là hình ảnh “Bà xâu mấy đồng xu rỉ xanh rỉ vàng chuột tha vào trong ngạch. Quàng lên buồng chuối sau nhà” hay trong “Cật tre“: “Sợ con nít lằn lưng trên cái chõng đan bằng tre cật. Không biết ai đã luồn vào dưới lưng tôi một tấm mo nang Nồi khoai xéo. Bát ngô dăm. Độn ánh trăng vàng” hoặc trong “thóc giống”: “Sinh con. Mẹ là hạt thóc đã mọc mạ rồi. Vẫn sưởi ấm mùa đông bằng khoảng trống của hai vỏ trấu” để cuộn tròn một ký ức “miền Trung” là một “Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa. Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa. Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Trường ca “Trầm tích” đầy ắp những ký ức đồng quê như khúc hát mượt mà ấm tình lính chiến trong “Lá thư miền Trung”của Lam Phương hay đằm thắm trong “Quê em” của Nguyễn Đức Toàn thuở “đồng xuôi luá xanh màu, giặc tràn lên đốt phá”” một dạo nào.
“Khúc Huyền ca” có cách đi “lưỡng phân” (hai mặt ngược nhau như bài nhạc có nốt đảo phách) riêng của nó. Trước hết, nó đưa ta về với người lao động bằng những tháng năm chiến tranh, hạn hán, trong đó, con người:
– Run cơn khát.
– Niêu cơm trống mắt.
– Bóng người xơ xác, tàn bay.
– Quên ngày tháng năm sinh.
– Luôn giật mình.
– Cúc áo cài lộn ngược.
– Cơn đói mờ run.
Bức tranh này có khác gì bức tranh “Hữu phụ huề tam nhi. Tương tương tọa đạo bàng” với ba mẹ ăn xin ngồi trên đường của Nguyễn Du trong “Sở kiến hành“? Con người đã mất hết cảm giác chính mình vì nhiều vất vả? Vì nhiều trăn trở? Vì những lý do nào đó? Họ đã bắt đầu quên chính họ với thực tại, chẳng ý thức bản thân mình “cúc áo cài lộn ngược“? Cái gì đã làm cho họ sống không ra giống Người? Người lao động sống mòn rồi cũng chết mòn trên đồng ruộng của họ:
Người thợ cày nhâm nhi giọt máu của mình
Chảy qua những dòng sông cánh đồng biển sâu lam lũ.
Ngoài kia trôi dạt con thuyền.
Cũng là chiến tranh. Cũng là chủ trương “Người cày có ruộng“. Thực chất của bức tranh này là cái gì? Là con người với từng số phận thơ ngây mà hẩm hiu. Người lao động không lối thoát vì sự nghèo nàn “Người bị ruồng bỏ ở chính mảnh đất của mình” và họ sẽ không có cơ hội ngóc đầu lên khi “Hết chiều“:
Phía chân trời cơn mưa vần vũ.
Đổ xuống người đang cắt lúa đêm.
Đêm úp xuống lưng người úp vào bóng tối.
Tiếng thở dài trút mặt đất đai
Họ phải ra đi với một bám víu nào đó dù “kiệt sức” để có một cuộc sống bình thường như một thuở chưa có hoàng hôn:
Người cuối cùng níu vào trời mây.
Níu vào sóng biếc.
nhưng “Khúc Huyền ca” một lần nữa trả lại cho họ niềm tin trong ẩn dụ sinh tồn: “Sự sống sinh sau cái chết già”. Phải trải qua thương đau, phải đi qua chết chóc, con người mới tìm ra đúng giá trị niềm tin vốn đã bị đánh tráo bởi chiến tranh và bởi chính con người mà một dạo Trần Dần chép miệng trong trường ca “Đi! Đây Việt Bắc”:
Quả đất lớn
Mà
Tâm địa nhỏ
Nó chi li từng hạnh phúc đơn sơ.
“Chi li” cho đến bây giời! Đó là một trong những hiện thực của xã hội Việt Nam thời kỳ giông bão. Phản ảnh được quá trình phát triển của con người qua từng thời đại, “Khúc Huyền ca” đã làm được chức năng thứ nhất của văn học: Tính người.
Nói như Nguyễn Xuân Nam, tính người “cũng gọi là tính nhân loại, nhân tính, tính chủng loại người. Khái niệm chỉ thuộc tính chung của loài người hình thành trong quá trình lao động sản xuất và sinh họạt xã hội. Những thuộc tính đó làm nên bản chất nhân văn của tác phẩm” (Tính người, trang 1742, Từ điển văn học- Bộ mới, nxbth 2004).
Tính chủng loại bao gồm các thành phần trong xã hội cần được tác phẩm thể hiện.
2. Bé thơ: Tuổi thơ của những nhân vật trong các trường ca Việt Nam đều có những giây phút êm đềm dù trong cuộc chiến hay thời hậu chiến. Trong trường ca “Trầm tích” tuổi thơ của người lính nằm êm ấm trong vòng tay của bà: “Hàng xóm nhặt tôi vào đặt lên chiếc chõng tre. Chiếc chõng tre đen bóng mồ hôi vẫn nép ở đầu hồi. Bà nội thường đem ra ngồi trông cháu” và tuổi thơ ấy vẫn nằm trong tình mẹ chắc chiu “Chiều chiều mẹ ra sông mót cá. Tôi tha thẩn khắp vườn bòn mấy quả mận xanh. Thủ thỉ với con diều tre trận mưa đá đêm qua làm sã cánh. Thủ thỉ với bóng cò trong ca dao mới dạt vào tránh bão. Thủ thỉ với chiếc sào phơi bện rễ cây rừng. Thủ thỉ với cây mít còm nhựa ứa rưng rưng”. Ấm cúng quá chừng chừng!
Trong trường ca “Mặt đường khát vọng“, tuổi thơ đã biết nghĩ hơn người lớn, biết vặn vẹo thầy giáo của mình:
Có gì đâu chúng con muốn yêu thương
Sao thầy giảng chỉ những lời cay đắng.
Máu thì đỏ mà phấn thầy thì trắng
Có vẽ nổi tâm hồn chúng con không?
…Chúng con đến đây cho những thằng CIA điểm mặt
Thầy có gì đuổi giúp chúng con không?
Trời à! Học trò lanh như thế thì chẳng ai dám nộp đơn vào sư phạm! “Trường ca biển” tuổi thơ người lính đảo đầm tính hơn, chẳng mồ côi như em bé Tà Ôi của “Khúc Huyền ca”:
Tôi sinh ra trước lúc lên đèn
Bóng mẹ sáng lại mờ trong mắt cha hoảng hốt
Trong căn nhà đất
Tháng hai buồn tiếng thạch sùng kêu
Mẹ đã dắt tôi qua những miệng vực sâu của mọi sự rủi ro.
Trong thơ ca thời chiến, tuổi thơ của “Quê hương” vô tư, hồn nhiên và đầy đủ biết chừng nào:
Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
Tuổi thơ trong “Quê hương” đã hòa với “Đường tới thành phố” trên học đường. Nếu trong “Mặt đường khát vọng“, tuổi thơ sớm biết cật vấn thầy thì trong “Đường tới thành phố”, những em may mắn đến trường, hạnh phúc trong thế giới thần tiên trong “tô vẽ” mà hy vọng thời “tem phiếu” để “hiểu vì sao ta bớt giấy in thơ. Để in phiếu đường, phiếu thịt. Vì sao những người thợ cày giỏi nhất. Đang khoét chiến hà bằng một chiếc xẻng con”:
Em cứ tô đậm nữa đi em
Tô thật đậm để hiện ra đất nước
Sớm mai em bổ con lợn đất
Bao niềm vui sẽ tỏa dưới chân
Thật có lý với nghĩa nào cũng được khi Trần Mạnh Hảo viết trong “Tiếng chim rừng gáy“:
Nghĩ thương đất nước mình nghèo
Con chim cũng biết chắt chiu cho người.
nhưng con người có biết gì “chắt chiu?”. “Khúc Huyền ca” không nuôi hy vọng bằng những vẽ tô. Chẳng nhắc nhở ai bài học vỡ lòng em bé. Năm tháng làm người đã thay hình đổi dạng trong cuộc sống. Văn học phản ánh cuộc sống thì không lý nào nó lại dậm chân một chỗ. Cùng trong hoàn cảnh chiến tranh, những em bé tham gia đánh giặc xuất hiện đầy trên các trang thơ, tiểu thuyết dù có thật hay chỉ là nhân vật hư cấu mang những tính cách của tác giả phục vụ chiến tranh thì em bé của Trần Anh Thái bình thường, vô tư dù hiện thực có như thế nào đi nữa. Nét tính cách này đúng với tâm sinh lý của tuổi thơ “ăn chưa no, lo chưa tới“: Những gì làm tuổi thơ mất đi tính hồn nhiên này, những cái đó mới thành “tội nhân thiên cổ”. Vì vậy mà ta thấy, em bé giữa cánh đồng khô:
– Cắn ngọn cỏ gà
– Em bé Tà Ôi:
Mút tay trố mắt
Như không thấy gì
Như không có bạn
Như không tồn tại
Như không có người
Bóng nhờ mặt đất.
“Bóng nhờ mặt đất”, một hình tượng lập lại của “đổ bóng xuống mặt trời” năm nào cho từng “số phận nghiệt ngã”, Trần Anh Thái cảm nhận số phận con người chín mùi đến tận bàn tay. Hình ảnh “Mút tay trố mắt” thơ dại vô cùng! Nó không “u uẩn” như “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng:
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Nó không giống như những “Đôi mắt mang hình viên đạn” của em đang “xoe tròn”, của mẹ cháy lên với“với bao lần tiễn biệt” chực chờ “trút lên quân xâm lược dã man” của Trần Tiến hay đôi mắt rực lửa căm thù giặc ghê sợ dù không biết “Mỹ như thế nào?” của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Em bé Tà Ôi của Trần Anh Thái trong “Khúc Huyền ca” đã “như không tồn tại“. Chỉ cần bốn từ này thôi, người đọc đã hình dung ra một “sắc sắc, không không” bởi có mà như không của đạo Phật. Từ lâu, Trần Anh Thái đã từng tuyên ngôn cho thơ: “thơ ca như là một thứ tôn giáo có khả năng cứu rỗi linh hồn con người. Cuộc sống càng sôi động, càng gấp gáp, con người càng dễ rơi vào những bi kịch. Trong đó cô đơn là một bi kịch lớn. Khi con người cô đơn, người ta sẽ tìm đến những khoảng lặng trong tâm hồn. Thơ ca cũng có những khoảng lặng như thế để đồng điệu với con người và lúc đó nó như là một phương tiện để cứu rỗi. Khi thơ ca phát triển đến đỉnh cao của nó, nó sẽ đi đến chiều sâu tâm linh con người” (evan.com.vn).
Tồn tại hay không tồn tại lại là một dấu hỏi giữa duy tâm và duy vật, giữa siêu thực và siêu hình. Em bé Tà Ôi côi cút giữa núi rừng là một chứng nhân của siêu thực. Tác giả đã vận động trong thế giới siêu thực ra sao?.
Từ Thái Bình, người lính trẻ miền Bắc vào Quãng Trị qua Thừa Thiên – Huế, hành quân lên miền xuôi để gặp em bé Tà Ôi – em bé Pa Cô “con cháu Bác Hồ”ngây thơ trong mưa đạn. Hình ảnh bé thơ giữa côi cút tiếng chim gợi cho ta một cảm giác cô độc thương đau…
Tà Ôi em bé cút côi. Tà Ôi có “người bạn già du kích năm xưa” cũng nào có được tương lai sáng sủa gì:
Cởi trần đóng khố
Ngày ngày vác bẫy vào rừng
Rủi may số phận
Bếp lửa nhà sàn hiu hắt tàn tro
… Trí nhớ già nua
Bần thần vịn bóng ngày yếu ớt
Người bạn lính già này không lấy chiến công làm lẽ sống, chẳng nhắm công hầu để hành hiệp mà chỉ lấy lao động làm niềm vui sau khi hy sinh tuổi trẻ phục vụ chiến trường như “Người lính trở về” của Trần Chấn Uy:
Nét cười chẳng gợn chút buồn
Hồn nhiên nhận phần thua thiệt.
Hay nhận một cuộc sống đơn sơ nhưng đầy ấp hương đồng gió nội với tình gia đình ấm cúng trong “Ngày hòa bình đầu tiên” của Phùng Khắc Bắc:
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này hai bàn tay
Mẹ giục:
– Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà
Và
Mùi ổ rơm.
“Mùi Ổ rơm” của Phùng Khắc Bắc hay “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy hoặc “Bếp lửa” của Bằng Việt là biểu tượng rất đáng tự hào người dân quê Việt Nam “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Không thể dùng nó để “ẩn dụ” cho cái nghèo nàn của quê hương. Mục tiêu của người du lích Tà Ôi năm xưa đi chiến đấu có phải là để cho em có được tháng ngày vui tươi “mang cơm cho mẹ em đi cày” hay cho sự bình đẵng giữa người dân tộc Kinh và Pa Cô nói riêng và giữa người miền xuôi và miền ngược nói chung? Giữa mênh mông, hun hút của núi rừng, thinh không vọng về câu hỏi: Mẹ em đâu? Mẹ ta ở đâu với “cúc áo cài lộn ngược” giữa chân trời mù mịt tương lai còn số phận thì như con chim bắt cô “trói cột gõ vang” những điệu buồn oán trách? Trường ca lại chuyển tải thêm một lớp người không thể thiếu trong từng tác phẩm.
3. Mẹ:
Đây là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của từng tác phẩm. Toàn bộ văn học Việt Nam nói chung và thể loại trường ca nói riêng đều không thể thiếu bóng dáng nhân vật chủ thể này dù là mẹ thật mang ta chín tháng mười ngày hay mẹ ẩn dụ là mẹ quê hương Hình ảnh người mẹ trong văn học đều có số phận lam lũ trên đồng ruộng hoặc tích cách chịu đựng, hy sinh tùy theo tác giả tái tạo rất trân trọng trong tác phẩm của mình. Người mẹ trong “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh được tái tạo trong hoàn cảnh nghĩ vể người mẹ khi người con tiến vào Sài Gòn:
Mẹ ít ngủ mẹ thường thức khuya
Đêm nào cũng dài
Căn nhà có mười mấy mét vuông
Làm lụng đến già còn bao nhiêu tất bật
Trong trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, người mẹ lại hiện diện trong ký ức người con trước khi lên đường trong một ngày mưa:
Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi
cùng một lời thì thầm: “Cho con xin bắt đầu từ mẹ. Để nói về chúng con. Lớp tuổi hai mươi,ba mươi điệp trùng áo lính. Xanh màu áo lính. Đã từng sung sướng, đã từng ngọt ngào. Được làm con của mẹ”. Trong truờng ca “Trầm tích“, người mẹ được tái hiện cũng qua trường liên tưởng của đứa con đang ở Trường Sơn: “Con máy mắt liên hồi. Chắc mẹ thầm nhắc gọi. Xin mẹ đừng lang thang ra ngoài ngõ. Đừng tựa lưng thêm vào nơi mẹ đứng chờ con… Những tiếng thở dài. Có phải cây cau vừa trổ gai. Níu mẹ lại khỏi ngã xoài xuống đất. Chiến tranh đi qua bàn tay lật. Hất vào mắt mẹ. Bóng tàn nhang”. Còn trong “Mặt đường khát vọng“, người mẹ trong lòng con cao cả, bao la như con sông Hồng của Nguyễn Khoa Điềm:
Mẹ phà vào con nồng nàn mùi sữa
Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa
… Nhưng đêm đêm con trở về thân thuộc
Ngủ trên cánh tay mẹ hiền từ cay đắng nuôi con
Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn.
Người mẹ trong “Trường ca sư đoàn” đã trở thành người mẹ quê hương:
Cầu Ái Tử chập chờn bóng mẹ bồng con
Mẹ ngồi đó đêm mưa, ngày nắng
Mẹ ngồi đó một thời bom đạn
…Cánh tay khô gầy, làn mây tóc trắng
Mẹ vẫn ngồi như hóa tượng từ lâu
Rung cảm và gợn buồn, trầm lặng mà nhân hậu, người mẹ trong “Khúc Huyền ca” ngắn gọn trong những cấu trúc mới:
– Ra đi trong đêm
Sương khuya mò bóng.
– Khát bàn tay lạnh.
– Run rẩy quay đi
– Nước mắt mẹ nghẹn đêm.
– Đầu gối run run
Hai tay chống đất
– Lẩn thẩn hai tay sờ soạng phên thưa.
– Má bới ngày
Hạt rơi héo đất.
Mẹ ta đang “mò bóng” trong sương. Sự lao động cực nhọc của cái gọi là “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” của thời kỳ thử nghiệm tem phiếu thực phẩm, cháo hẩm lương khô hay “một sương hai nắng” của dân tộc như thành ngữ đã dùng? Xót quá! Còn đâu là những ngày “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn? Còn đâu người mẹ đào hầm của Dương Hương Ly trong “Đất quê ta mênh mông”? Người mẹ trong “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh cũng cực khổ sáng chiều:
Sáng úp mặt ngoài đồng
Chiều còng lưng cuốc đất
Người con sau chiến tranh trong “Đêm mưa” của Tô Hoàn, trở về thấy mẹ thiếu trước, hụt sau mà ngậm ngùi:
Con về thăm mẹ, đêm mưa
Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên.
Mưa rơi sợi thẳng, sợi nghiêng
Cứ nhằm chỗ mẹ những đêm trắng trời.
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.
Cái khổ của mẹ vì chiến tranh, vì cái gì đó nữa cũng ẩn hết trong những đoạn thơ gợi những hình ảnh súc tích đầy ngậm ngùi trong “Khúc Huyền ca”:
Mẹ ngồi chống cầm
Mưa suốt cả ngày
Một ngày
Tro tàn nguội lạnh
Chiếc kiềng bếp chỏng chơ
Niêu cơm bỏ dở
… Mẹ vẫn ngồi
Cỏ rêu len đầy cửa bếp.
Một ngày
Đầu gối run run
Hai tay chống đất
Bàn thờ nguội ngắt
Biền biệt khói hương.
Cuối cùng, ta nghe động lại trong con tim đau nhói một hiện thực với tiếng thở dài: “Hoàng hôn khép vào đêm nhàm chán”. Người ta cần cánh đồng cho lương thực? Cánh đồng ma! Người ta cầu cứu vào “Thượng đế” nào đó trong tính ngưỡng nhưng hắn cũng “ở nơi đâu trong hốc mắt thẳm sâu”? Những từ ngữ ấy đã nói hộ nỗi thất vọng từ trong đôi mắt đói khát, thiếu ngủ vì lo lắng, thiếu sinh khí của người lao động. Phải chăng là một cách nhìn bế tắc?
Cách hiểu thứ hai mở khoá cho “Khúc Huyền ca”: Phải chăng con người trong tận cùng bằng số cũng vẫn cố giữ lấy một niềm tin (là Phật? là Thượng Đế?) trong đôi mắt trống hoắc vì đói, vì đau thương? Một ẩn dụ nhân bản nào đó vừa phôi thai? Một điểm tựa cần bám víu để sinh tồn?
“Khúc Huyền ca” tưởng chừng như chết yểu khi khai sinh tính từ “nhàm chán” nhưng nó như con chim bị thương với nhiều vết đạn vẫn cố lao mình về phía mặt trời trong cụm từ cứu cánh: “Ngày dần sang”. Tức là ngày bắt đầu có bình minh và bóng tối tạm lùi vào sau hoàng hôn theo quy luật. Bé thơ – mầm non của cuộc sống kịp thời xuất hiện trên cánh đồng khô hạn, chết đói là một điểm sáng của khúc ca:
Không có hoa mào gà cánh đồng khô nứt nẻ,
bé thơ đứng cắn ngọn cỏ gà chớm nở bình minh.
Ngày dần sang,
Hoàng hôn khép vào đêm nhàm chán.
Thế hệ trước nó hầu như đã kiệt quệ với ân huệ của thiên nhiên và cuộc đời nhưng tuổi thơ như măng non vẫn hồn nhiên qua từng trang thơ Trần Anh Thái. Thông cảm với từng số phận, “Khúc Huyền ca” đã tự nâng cấp nó lên khái niệm khác của thuộc tính văn học, đó là: Tính nhân dân.
Nguyễn Văn Hạnh nhận xét: “Thông cảm với nhân dân, gần gủi gắn bó với nhân dân… Tính nhân dân thể hiện ở chỗ văn học nghệ thuật liên hệ mật thiết với cuộc sống của nhân dân” (Tính nhân dân, trang 1743, sđd).
Nhưng một tác phẩm mang tính nhân dân không chỉ dừng ở đấy mà phải giải quyết cho được mối quan hệ giữa họ và xã hội theo chiều tươi sáng dù đã, đang ở tận sâu thẩm của màu đen. “Khúc Huyền ca” đáp ứng được chưa?. Trong tối có sáng, có bi có hỉ, ”Khúc Huyền ca” đã giải quyết được một phần giá trị nội dung này.
Trần Anh Thái đang khai thác về một khía cạnh khác hun hút đau thương và đau đáu tình người. Lưỡng phân đã bắt đầu từ khúc I và cứ thế cho hết XI khúc như “hết cơn bỉ cực tới ngày thái lai”.
B. Thiên nhiên và con người trong ca khúc bình minh:
I. Thiên nhiên: Thênh thang đầy màu sắc như một “dàn đồng ca” trong “Ngày đang mở sáng“.
1. Thế giới mới:
Khi “bình minh hé mở“, ta thấy cánh đồng khô hạn, cỏ cháy biến mất. Nó nhường chỗ cho:
– Dưa hồng.
– Ruộng mía.
– Trong trẻo bầu trời.
– Nắng thu trong suốt.
– Gió biển lim dim.
– Sóng xa êm đềm.
– Sân nhà lùm rơm nức mùi lúa mới.
– Mặt trời bừng lên sóng vỗ rì rầm.
– Tinh sương rộ lên.
– Phưng phức hoa mào gà
– Ban mai bừng thức
”Khúc Huyền ca” như “Ngày đang mở sáng” mở ra là một bức tranh sinh động giữa khô cằn của cánh đồng, giữa cỏ cháy của thiên nhiên, giữa đói khát của cuộc đời và giữa niềm tin của con người. Cuộc sống như được hồi sinh trên từng “Cái sân gạch“, “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ “Đất làng” của Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, “Dọn về làng” của Nông Quốc Chấn, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên và rộn ràng như “Xúc xích mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm, “Khúc mùa thu” của Hồng Thanh Quang.
Mùa thu của Trần Anh Thái no ấm như “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu. Nó chứa đựng tình người, tình thiên nhiên chớ không phải “chỉ còn anh và em” trong “Thư tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh. Tác giả đã cho mọi thứ hồi sinh, sống lại sau cái chết. Đó cũng là một “Lễ phục sinh” của đạo Thiên Chúa? Từ nơi đây, thi ngôn mà “Khúc Huyền ca” lập lại chính là “Thơ ca như là một thứ tôn giáo”! Ai theo tôn giáo nào thì giữ đức tinh theo tôn giáo ấy! Một chân lý. Tuy nhiên, chân lý không tồn tại trong những tôn giáo mang tư tưởng phi nhân văn.
Bầu trời mở ra cho tôn giáo thi ca. Thế giới cũng không hẹp hòi với thiên nhiên, sinh vật trong lòng thi nhân. Ngược lại, cảnh thu trong “Trường ca Trừng phạt” của Trần Đăng Khoa âm u của không khí địa ngục tội ác chờ “trừng phạt” của Nguyễn Huy Thiệp:
Đoàn người đi
Trong sắc chiều vàng úa của âm ti
Lá khô lác đác
Nghe thoang thoảng mùi hương trầm ngan ngát
Tiếng chuông khua xa vời…
Chó ngao im lặng nhìn người
Quỷ trắng đứng bồng thanh sắt.
Khúc thu trong “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh đã hoá thân vào “điệp khúc những cây cầu”:
Có khúc buồn nhưng cuộc đời vốn khỏe
Tôi gọi về những tuổi những tên
Như mùa thu gọi heo may rải rác
Với thời gian tôi xin làm đá tạc
Hỡi mây trời hãy xuống hát cùng tôi.
“Khúc Huyền ca” tươi sáng khi bóng dáng mùa thu xuất hiện. Nó tươi tắn chẳng phải vì thời tiết tự nhiên mà vì tình người quan tâm đến người tha thiết trong trường ca:
Và em ơi mùa thu đẹp quá, mắt em trong sáng vòm trời,
Ta thổn thức chờ em nơi cửa biển
Đừng lần lữa trái tim ta muốn vỡ, mặt cát bồn chồn hoa sứ ngọt ngào thơm.
Mùa thu chiến tranh đã thành mùa thu “trang sức” trong thơ Thanh Thảo trong một ngày thanh bình:
Sợi dây chuyền bí ẩn của bóng đêm
Những chiếc chuông mùa thu trong trẻo
Rung lên khi thành phố bay về trời
Anh sẽ đeo vào ngực em
Cơn bão.
“Ngày đang mở sáng” của Trần Anh Thái cùng Hoàng Nhuận Cầm mở lòng với “Những câu thơ viết đợi mặt trời”.
2. Sinh vật và vật thể:
Mọi thứ như mầm xuân trỗi dậy sau mùa đông giá băng. Những câu thơ bắt đầu có “linh hồn”. Toàn bộ những bản trường ca trở thành khúc nhạc hành quân đi giữa mùa xuân. Trong “Đường tới thành phố“, sinh vật hiện ra rộn ràng trong sắc xuân chiến thắng:
Con gà trống cù kỳ quanh vại nước
Hạt thóc ngậm vào thành ngọc của tình yêu
Tiếng nó gáy rung vang cườm ngũ sắc
… Rục rịch chiều nắng chếch lỗ thông hơi
Và mùa xuân, anh nghe rõ mùa xuân
Hoa xoan rụng trước cửa hầm tím cát
Tiếng ếch nổi nênh dọc bờ khoai nước
Cò lại về đậu trắng cánh đồng sâu
Sinh vật trong “Hoa phượng và hoa cúc” của Trần Mạnh Hảo đi vào ước mơ: “Cho trái chín bình yên. Thóc cởi trần làm gạo. Tiếng ve trôi như thuyền. Chở mùa hè đi dạo”:
Chở đêm vào trái nhãn
Chở ngày vào trái dưa
Tiếng ve trôi bị cản
Vấp vào hương cúc đưa.
Say mê với mùa xuân sẽ chiến thắng, thiên nhiên trong trường ca “Những người đi tới biển” chuẩn bị “bùng nổ một mùa xuân”:
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt
Hình như ngọn lửa đom đóm lập lòe nhá trong màn đêm vẫn là hình ảnh quê hương gợi cảm xúc cho các trường ca. “Khúc Huyền ca” cũng ru mình vào thế giới thần tiên của mình với:
– Đàn đom đóm.
– Lâu đài kỳ ảo.
– Con thuyền cổ tích.
– Ngôi nhà hoàng tử.
– Chim khuyên gõ cửa.
– Con tàu trong mơ.
Ta thấy, những con nhện giăng trên đường, con quạ đen, côn trùng rên rĩ, con sếu co co… đều biến mất để hiện ra một thế giới sinh vật từ nhỏ bé “đom đóm” như trong “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” của Nguyễn Đức Mậu, đến thứ to lớn hơn là “con tàu”. Đom đóm đưa đèn đem đuốc đến? Con tàu cổ tích có trăm con…! Ối chao! Mơ nặng mộng quá! Những thứ thơ mộng này chỉ có thể đi với lứa tuổi ngày hai buổi đến trường. Nhân vật bé con lập tức xuất hiện trong giấc mơ “mặt trời bừng lên sóng vỗ rì rầm“.
II. Con người:
Con người trong các trường ca chiến tranh và thời hậu chiến đều mang trong mình một lý tưởng của chủ nghĩa đương đại. Tất cả đều là những con người anh hùng hoặc là ác ôn trong mắt tác giả: Là những người lính chiến trong các cuộc chiến, thậm chí những người đã thành liệt sĩ trong lịch sử như ca ngợi Hùng, Rin (Bài ca chim Chrao), Nguyễn Văn Trỗi (Trường ca Nguyễn Văn Trỗi), Chị Nguyễn Thị Trừ (Sông Dinh mùa trăng khuyết), những chiến sĩ Điện Biên Phủ (Trường ca Điện Biên Phủ), những chiến sĩ Trương Định (Những nghĩa sĩ Cần Giuộc), Ba Tơ (Bùng nổ mùa xuân), Nguyễn Đình Chiểu (Trò chuyện với nhân vật), là những người tù Côn Đảo (Sóng Côn Đảo). Họ còn là những người lính một đoàn cụ thể (Trường ca sư đoàn), là những con người ở địa đạo Củ Chi (Mặt trời trong lòng đất), người lính bảo vệ cầu Hàm Rồng (Trường ca Hàm Rồng)…
Hướng về người lính hiện có mặt trên các chiến trường (Những người đi tới biển, Trường ca biển, Đường tới thành phố, Trường ca sư đoàn, Đường đến những vì sao, Những người lính của làng, Mặt đường khát vọng). Nói về con người với bao nhiêu mối quan hệ cần giải quyết như tội ác, như tâm tư, tình cảm (Trường ca trừng phạt, Chín tháng, Bài thơ Việt Bắc). Ca ngợi sức sống quê hương, ca ngợi con người (Sóng Côn Đảo, Thông điệp mùa xuân, Trầm tích, Mặt trời trong lòng đất, Người cùng thời)…
Điểm chú ý là hầu như ký ức tuổi thơ của những người lính chiến thời kỳ nào trong các trường ca đều khắc họa những tính cách “khác thường” so với tâm sinh lý hiện thực với những suy nghĩ đi trước tuổi lớn. Riêng “Khúc Huyền ca” cũng bằng ký ức tuổi thơ nhưng nó đi theo chiều phát triển đúng tâm lý và hầu như Trần Anh Thái qua ký ức người lính đã có một cảm nhận riêng về cuộc chiến mà những trường ca khác không thể có và không dám có..
1. Tuổi thơ:
Tuổi thơ trong trường ca “Người cùng thờt” của Mai Văn Phấn được hư cấu từ trong cổ tích chạy ra:
Lũ trẻ ùa ra từ chiếc bình kia
Hân hoan chạy tới bến xưa
Vẽ hình hài thế kỷ sau trên mặt cát bây giờ.
Tuổi thơ của “Khúc Huyền ca” không chỉ là những tháng năm đau buồn vì chiến tranh vì thời cuộc mà nó từ trong đau thương như chim Chrao của Thu Bồn năm xưa bay về phía mặt trời – biểu tượng khát vọng tự do lớn nhất của con người. Nhịp sống trong trường ca Trần Anh Thái bừng lên khuôn mặt thiên thần:
– Mê man huyền thoại.
– Chờ mùa lúa mới.
– Giòn tan nụ cười.
– Hồn nhiên, kiêu hãnh tràn trề.
– Hát vang bài đồng dao ngọt lịm.
– Ăn no nê.
Đặc biệt trong hồi tưởng, bé con trong “Khúc Huyền ca” đã không cô đơn dù đơn giản một hành động “em bé cắn ngọn cỏ gà” trên cánh đồng khô nứt nẻ, hay em bé Tà Ôi sống như chết mà trái lại, nó đã cùng cô bạn gái chui vào cổ tích đi tìm nơi mặt trời đã cất giấu con tàu huyền thoại:
Sáng sáng chim khuyên gõ cửa bình minh, mẹ đứng ngây trước gương thiên thần mỉm cười lặng lẽ.
Tôi vùng dậy thả hai bàn chân xuống gường đung đưa trên mặt sóng.
Mặt trời bừng lên sóng vỗ rì rầm.
Tôi hào phóng tung những con tàu cất giấu trong mơ
Bay mãi mãi về phía mặt trời bí ẩn.
“Khúc huyền ca” bắt đầu có hướng chuyển mình thành bản “Trường ca Đam San”, “Xinh Nhã”. Vì sao?
2. Chính là vì có người mẹ:
– Âu lo đêm (dùm cho con).
– Nâng niu, chăm chút (con trong tay).
– Thao thức (vì con).
– Thở dài (với thời gian dùm con).
Nguồn sống của mẹ cho nó hay nói cách khác, nguồn sức sống của người mẹ vượt qua cơn khốn khó, cùng cực là vì con thơ, vì:
Ngọn lửa xa xôi đôi mắt con thơ
Người vịn vào đôi mắt ấy dò tìm
Run rẩy vịn qua tháng năm gầy mòn yếu ớt.
Tuổi thơ của thằng bé đi qua tháng năm “gầy mòn” của mẹ. Tuổi thơ của thằng bé là “ngọn lửa xa xôi“, là tiếng thở dài “trong sương khuya mò bóng” của mẹ. Sự hy sinh thầm lặng của mẹ đã chấp cánh cho nó và cô bạn thời thơ ấu bay vào giấc mơ, khám phá vũ trụ. Nhưng, than ôi! Lại là “Khúc huyền ca” ngày cạn dần, hoàng hôn tới nhưng vẫn toát lên khát vọng tương lai. Đó chính là nội dung vượt thoát bao trùm tác phẩm. Xuyên suốt qua từng thuộc tính vạn vật, “Khúc Huyền ca” tự trang bị cho nó thêm đôi cánh: Tính nhân dân – Tính phổ quát. Vượt trên những trường ca từ những trường ca đi qua khói lửa hay vào thời hậu chiến, tiếng nói từ trái tim của một trái tim từ trong chiến tranh, “Khúc Huyền ca – Ngày đang mở sáng” đưa ta về với từng số phận cho “người sau biết đường ra chiến trường” khổ sở, ác liệt và cũng thắm thiết một tình nhân loại mà không phải tác phẩm nào cũng “dám” chuyển tải.
Giá trị công lao của người mẹ hầu như toàn bộ các trường ca đều đề cao và hết sức trân trọng. Điều đó mới làm cho những trường ca có tính thời gian nhưng văn học cũng có tính đào thải những gì không thuộc về quần chúng nhân dân.
Về tính nhân dân, Nguyễn Văn Hạnh viết: “Khái niệm chỉ mối liên hệ giữa văn học nghệ thuật và nhân dân. Nhân dân bao gồm chủ yếu những người sống bằng lao động của chính mình, là thành phần đông đảo nhất trong cư dân một nước, một dân tộc, là nền tảng của xã hội và động lực của lịch sử, là ngọn nguồn mọi giá trị vật chất và tinh thẩn của cuộc sống… làm sao cho tác phẩm nghệ thuật được dân hiểu và yêu thích...” (Tính nhân dân, trang 1743, Từ điển văn học-Bộ mới, nxbtg-2004).
Tính nhân dân thể hiện rõ nhất trong “Khúc Huyền ca – Ngày đang mở sáng” là nâng niu từng số phận con người.
[post_connector_show_children slug=”tr%e1%ba%a7n-anh-th%c3%a1i-%e2%80%93-kh%c3%bac-huy%e1%bb%81n-ca-%e2%80%93-kh%e1%ba%afc-kho%e1%ba%a3i” link=”true” excerpt=”true”]